Cục tác

[Đọc sách] Chuông nguyện hồn ai - Earnest Hemingway

Earnest Hemingway, “Chuông nguyện hồn ai”, Nxb Văn học (Nguyễn Vĩnh, Hồ Thể Tần dịch)

“Chuông nguyện hồn ai”, xuất bản năm 1940, là tiểu thuyết kể về bốn ngày của Robert Jordan, một chiến sĩ trẻ người Mỹ, với nhiệm vụ đánh nổ một cây cầu chiến lược trong một trận đấu của cuộc nội chiến Tây Ban Nha. Anh tiếp cận một nhóm du kích cộng hòa, sống trong một khu rừng, cùng họ điều tra địa hình, xây dựng lực lượng và lập kế hoạch tác chiến. Những người này trước kia là dân thường, nay chứng kiến nhiều sự chết chóc vô tội và bị đe dọa cướp mất mảnh đất sinh tồn của họ, đã cầm súng và hỗ trợ Robert Jordan thực hiện nhiệm vụ của anh. Trong số họ có cô gái Maria, người trở thành mối tình đẹp của Robert Jordan. Khoảng thời gian ngắn ngủi đó là một cuộc chiến khó khăn, là những ngày cuối đời của một số người, nhưng cũng là khoảng thời gian của sự gắn kết, của những hạnh phúc trọn vẹn. Truyện là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Hemingway, nhà văn có vai trò định hình trong nền văn học Mỹ và viết thành công về đề tài chiến tranh.

Hemingway viết truyện với phong cách “Tảng băng trôi”. Ông kể chuyện một cách chân thực nhất, để qua những chi tiết, những suy tư, người đọc được chìm vào cả một thế giới, một hành trình với bao nhiêu tầng ý nghĩa. Cách làm này giống như “slow travel” - một lối du lịch không ôm đồm. Để hiểu một nền văn hóa, bạn đến nơi đó, sống ở đó vài ngày. Cuộc sống diễn ra những chi tiết hết sức nhỏ nhặt, nhưng là cuộc sống thật, bạn hòa vào nó và cảm nhận được nó. Cách cảm nhận này khác kiểu bạn đến những địa điểm nổi tiếng, những nơi được cho là tinh hoa. Thứ nhất, những nơi đấy đã được phủ lên nhiều lớp trang hoàng với mục đích trưng diện, chứ không như điều kiện vốn có của nó. Thứ hai, những nơi ấy thường đúc kết các giá trị tinh túy nhất của cả nền văn hóa, khi bạn chiêm ngưỡng liền bị mờ mắt, mà không hiểu đc những điều nhỏ nào đã tạo nên sự tinh túy ấy. Và sự tinh túy trong con mắt của những kẻ ngoại đạo vô tình trở thành sự hào nhoáng, nông cạn.

Nhân vật chính trong truyện của Hemingway thường là những anh hùng. Không phải kiểu anh hùng giải cứu thế giới. Họ đương đầu với những thử thách lớn lao, mà niềm vui và ý nghĩa cuộc sống gần như nằm hết ở đó. “Ông già và biển cả” là cuộc hành trình mà ông lão đánh cá chinh phục con cá lớn của đời mình và đối diện với thiên nhiên vĩ đại, và cũng là đối diện với bản thân mình. Robert Jordan, nhân vật chính của “Chuông nguyện hồn ai”, thực hiện một lần đánh bom lớn hơn tất cả những lần trước đây, một nhiệm vụ then chốt của cuộc cách mạng và sống những ngày nhiều cảm xúc nhất của cả cuộc đời. Cùng những nhân vật của Hemingway, bạn được trải nghiệm những cuộc phiêu lưu thật sống động, mãnh liệt và ngay giữa thiên nhiên hoang dã, là khi họ đi săn, câu cá, đi rừng hay chiến đấu với súng đạn. Mỗi nhân vật đều yêu việc mà mình làm và thường đạt đỉnh cao trong những việc đó. Trong Robert Jordan cũng như ông già đánh cá có sự dũng cảm không gì khuất phục được - họ phải vật lộn với một kẻ thù lớn nhất, là nỗi sợ của chính mình, nhưng vẫn luôn tiếp tục đương đầu. Bạn thường thấy trong những cuộc chiến đấu của họ sự đơn độc hay áp lực vô hạn thường trực, nhưng bạn cũng thấy sự bình tĩnh, tỉnh táo đến lạnh lùng. Có lẽ trong cuộc sống, trên bao đau đớn và khó khăn, không phải ai và không phải lúc nào họ cũng lựa chọn sống mạnh mẽ, chinh phục thử thách và yêu đời mãnh liệt, nhưng những câu chuyện như vậy luôn đem lại thật nhiều cảm hứng.

Nhân vật của Hemingway hay vật lộn với lớp lớp tâm lý. Ông lão đánh cá không quyết định đi tiếp rồi cứ thế là đi.  Robert Jordan không quyết định đặt bom rồi cứ thế thực hiện nhiệm vụ. Họ thực hiện một cuộc hành trình khó khăn, và từng khoảng khắc họ trải qua là từng cuộc đấu trí, mang những giá trị của riêng nó. Cách mà Robert Jordan dằn vặt về sự thèm khát hạnh phúc và tự do, trong từng phút giây anh ta bị ràng buộc bởi nhiệm vụ, khiến người đọc thấy như chính mình đang vật lộn ngày qua ngày trong một cuộc sống bế tắc. Hemingway không viết truyện thiên về tình tiết, cũng giống như trong cuộc sống bạn không làm việc chỉ để đạt được mục đích, mà trải nghiệm mới thực sự là điều ý nghĩa.

Thế hệ những đứa trẻ lớn lên trong hòa bình rất khó để hiểu được thế nào là chiến tranh. Nhất là khi chúng lại được dạy về chiến tranh với một thông điệp đơn sắc và giản lược, nhằm ủng hộ cho chế độ chính trị, thay vì để giải thích tại sao con người lại hành động như vậy. “Chuông nguyện hồn ai” là một trong số những tác phẩm chân thực về chiến tranh. Tác giả đã từng tham gia Chiến tranh Thế giới thứ nhất và bị thương quay trở về, mang theo nhiều nỗi đau về cả thể xác lẫn tinh thần. Ở cuộc chiến trong truyện, có lý tưởng, có sự dũng cảm, có sự hy sinh vì đại cuộc, nhưng cũng có hạnh phúc cá nhân, có câu hỏi về ý nghĩa sự sống, có băn khoăn về những cái chết vô tội, và có ước mong được sống. Robert Jordan không chỉ thực hiện nhiệm vụ để chiến thắng, mà hơn thế anh kiếm tìm ý nghĩa cuộc đời mình. Chiến tranh cũng là một điều kiện đầy thử thách, nơi mà bạo lực chiếm hữu và ý chí của con người cũng được đẩy lên cao độ. Một người trẻ hẳn hiểu hơn về sự khốc liệt của chiến tranh và sự can đảm của lòng người khi đọc những chương miêu tả trận đánh của nhóm du kích cạnh sườn đồi, cố thủ trống lại đoàn phát xít với súng cối, lựu đạn và máy bay lượn trên đầu, giữa khói lửa, giữa những xác chết tơi tả.

Trong “Chuông nguyện hồn ai” có một nỗi sợ thường trực, đó là cái chết. Tôi đã nhiều lần thử tưởng tượng mình bị ung thư, hay tai nạn, nhưng không dám nghĩ tiếp. Trong chiến tranh, người ta nghĩ về trường hợp xấu hằng ngày, thậm chí trong bất cứ hành động nào. Họ không có quyền kiểm soát tới sự sống của mình. Bạn sẽ biết là Robert Jordan lo ngại về sự kết thúc của cuộc đời khi thấy anh hết lần này đến lần khác mơ về cuộc hẹn với những người bạn chí cốt, về ước muốn quay lại Mỹ làm giáo sư và kể cho sinh viên nghe về con người Tây Ban Nha, và về một mái ấm với Maria. Khi người ta nghĩ về cái chết là khi họ ý thức rõ nhất giá trị của cuộc sống.

Tình yêu là một phần của câu chuyện trong “Chuông nguyện hồn ai”. Có cả ngàn kiểu tình yêu. Mối tình trong 600 trang sách của truyện không có nhiều điều để kể, nhưng nó đem lại nhiều cảm xúc. Hai con người gặp nhau khi họ biết rằng mình không còn được sống lâu nữa. Quãng thời gian họ ở bên nhau thật ngắn ngủi, nên họ tận hưởng mọi xúc cảm mãnh liệt nhất. Với cách kể hết sức chi tiết và chân thực của Hemingway, những cảm xúc ấy càng trở nên sống động hơn bao giờ hết. Bạn có thể cảm thấy chết lặng đi khi đọc những đoạn hai người bên nhau trên thảm cỏ xanh, trong chiếc túi ngủ giữa đêm tuyết trắng hay khoảnh khắc Robert Jordan nhìn chiếc kim đồng hồ chuyển động để cảm nhận niềm hạnh phúc quý giá không kéo dài. Không biết sự tàn khốc của chiến tranh khiến họ yêu nhau mãnh liệt như vậy, hay tình yêu của họ khiến cho chiến tranh càng trở nên đáng sợ.

Những câu nói của các nhân vật trong truyện khiến người ta phải suy nghĩ nhiều. Pila hỏi thăm chuyện của Robert Jordan với cô gái, vì bà muốn họ được hạnh phúc, vì bà lo họ chẳng sống được bao lâu nữa, vì bản thân bà thấy sợ. Rồi bà lại tự củng cố lại ý chí của mình, vì bà là con người mạnh mẽ.
- Hai người có ngủ với nhau không thế?
- Này! Tôi không phải là một đứa nhát gan nhưng sáng sớm hôm nay tôi đã thấy rõ, tôi nghĩ rằng có nhiều người mà chúng ta biết được là hiện đang sống nhưng rồi họ sẽ không bao giờ còn thấy được một ngày chủ nhật nữa đâu. Hôm nay là thứ mấy?
- Ai cũng cần phải nói chuyện với một người nào khác chứ. Trước kia chúng ta có tôn giáo và những thứ vô lý khác. Bây giờ mọi người ai cũng cần phải có một người nào đó để có thể nói chuyện thẳng thắn được, nếu không một người dù tài giỏi đến đâu cũng trở thành rất đơn độc.
- Nhìn thấy những chiếc máy bay vừa rồi cũng làm cho lòng người ta phải xao xuyến đấy. Đối với những chiếc máy bay đó thì chúng ta chẳng ra cái gì cả.
- Này! Tôi thú thật một nỗi lo buồn của tôi nhưng anh đừng tưởng rằng tôi thiếu kiên quyết nhé. Không có gì thay đổi được ý chí kiên quyết của tôi đâu.
Và Robert Jordan đáp, “Lo buồn sẽ ra đi khi mặt trời mọc. Lo buồn cũng như một đám sương mù mà thôi.”
Mỗi câu thoại, mỗi hành động trong truyện đều mang tính triết lý nhiều. Đọc truyện giống như ngồi hàn huyên với những người thích nói lý và hay ngẫm sự đời, nhắc tới cái gì cũng ngẫm về ý nghĩa của nó. Cách mà những người du kích nói chuyện luôn cho thấy họ là những người không nông cạn, cho dù họ là người đi rừng, một người yêu ngựa hay một người gypsy “man di” - những người không có học thức nhưng có tâm hồn đẹp và giàu trải nghiệm sống.

“Chuông nguyện hồn ai” không phải là một cuốn sách dễ đọc. Nhiều người không thể đọc hết những trang đầu hay quá nửa phần của quyển tiểu thuyết, bởi nó diễn ra rất chậm và không có nhiều kịch tính, đặc biệt là ở nửa đầu. Nhưng bù lại, truyện lại khắc họa hết sức đầy đủ và chân thực những dòng suy tưởng của nhân vật, những tương tác giữa vài con người xa lạ đồng hành với nhau trong vòng vài ngày trước cái chết, những bước tỉ mỉ của một nhiệm vụ lớn lao và vẻ đẹp của cánh rừng hoang giữa cái lạnh mùa đông. Tất cả đều rất hiện hữu và hòa vào nhau, đúng như ý nghĩa của câu thơ của John Donne và được lấy làm tên truyện: Không ai là một hòn đảo, tất cả đều là một phần của lục địa rộng lớn… Mỗi người ra đi đều là mất mát của tôi, vì tôi đã hòa vào nhân loại. Vì thế đừng hỏi tiếng chuông nguyện hồn ai, đó chính là tiếng chuông của bạn. Tác phẩm cho người đọc cảm nhận và ý thức sống động về sự sống và vai trò của con người giữa cuộc đời.



Được tạo bởi Blogger.